Chính sách kinh tế của nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản Fumio Kishida
Nhiệm vụ khó khăn đang chờ nhà lãnh đạo tương lai của Nhật Bản chính là sự cân bằng khi vừa tái khởi động nền kinh tế, vừa áp dụng các biện pháp ngăn chặn COVID-19.
Ngày hôm qua 29/9, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã được bầu làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Giành chiến thắng trước đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono trong cuộc bỏ phiếu vòng hai, ông Fumio Kishida gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản bởi liên minh cầm quyền đang chiếm đa số ghế tại Hạ viện.
Quốc hội Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức một phiên họp bất thường vào ngày 4/10 tới đây để chính thức bầu tân Chủ tịch LDP Fumio Kishida làm Thủ tướng Nhật Bản thay thế ông Suga Yoshihide - người đã quyết định từ chức chỉ sau 1 năm cầm quyền do chính sách đối phó với đại dịch COVID-19 của ông không đạt được nhiều sự đồng thuận.
Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã được bầu làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền (Nguồn: Reuters)
Sau khi chính thức được Hạ viện bầu làm Thủ tướng Nhật Bản, ông Kishida 64 tuổi trên cương vị Chủ tịch LDP và tân Thủ tướng sẽ đối mặt với các chương trình nghị sự dày đặc. Bên cạnh đó, theo tờ Japan Times, cũng như những Thủ tướng tiền nhiệm, tân Thủ tướng Nhật Bản có thể sẽ gặp nhiều thách thức trong vấn đề đối nội thời kỳ hậu đại dịch COVID-19. Các chính sách kinh tế giúp Nhật Bản tiếp tục vượt qua giai đoạn phục hồi sau đại dịch của ông Kishida theo đó được giới chức các nước đặc biệt quan tâm.
Phục hồi tăng trưởng kinh tế
Theo tờ The Washington Post, trước mắt, ông Kishida sẽ phải bắt tay ngay vào cuộc chiến ứng phó với COVID-19, đồng thời chấn chỉnh lại nền kinh tế vốn đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch. Các cam kết trong chính sách kinh tế của ông Kishida cũng kỳ vọng được hiện thực hoá, bao gồm việc giảm khoảng cách trong thu nhập người lao động, đồng thời tăng gấp đôi lương cho những người có thu nhập trung bình. Chính sách này đã từng được thực hiện vào thập niên 60 của thế kỷ trước dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Hayato Ikeda.
Ông Fumio Kishida muốn tăng thu nhập và tiền lương cho càng nhiều người Nhật càng tốt (Nguồn: Reuters)
"Tôi muốn tăng thu nhập và tiền lương cho càng nhiều người Nhật càng tốt. Đây chính là chính sách kinh tế mà tôi muốn thực hiện" - ông Fumio Kishida khẳng định. Bởi thực tế, nếu không có mức lương cao hơn, chi tiêu mua sắm của người dân sẽ không được mở rộng, tăng trưởng kinh tế quốc gia theo đó cũng sẽ không thể tăng tốc.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Yuki Masujima cho rằng: "Các cải cách an sinh xã hội cả về thuế và chi tiêu sẽ đặt ra nhiều thách thức lớn cho Nhật Bản. Không giống các chính sách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hay số hóa, sẽ chẳng có giấc mơ nào cả. Ở đây chỉ có những lựa chọn khó khăn mà thôi".
Một cách khác để thúc đẩy tăng trưởng là đổi mới, tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Nhật Bản đang dần mất khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực chủ chốt. Chẳng hạn, nước này có nhiều nhà máy sản xuất chất bán dẫn hơn bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng ít nhà máy nào thực sự có thể cạnh tranh vượt bậc với các đối thủ nước ngoài.
Tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ soạn thảo đề xuất gói kích thích trị giá hàng chục nghìn tỷ yên trong năm nay để hỗ trợ phục hồi kinh tế (Nguồn: Reuters)
Trong suốt chiến dịch tranh cử, mặc dù ca ngợi những thành quả của chính sách kinh tế Abenomics dưới thời cựu Thủ tướng Abe Shinzo, song ông Kishida đã chỉ ra sự bất bình đẳng do chính sách Abenomics chỉ đang tập trung vào một số công ty nhất định. Vì vậy, ông ủng hộ "chủ nghĩa tư bản kiểu Nhật Bản mới" với các chính sách ưu tiên sự công bằng.
Các gói kích thích kinh tế trị giá hàng chục nghìn tỷ yen" cũng được khuyến khích nhằm giúp Nhật Bản đối phó với đại dịch COVID-19. Phương châm duy trì lãi suất siêu thấp hỗ trợ kinh tế khiến mục tiêu đưa cán cân ngân sách cơ bản trở lại trạng thái thặng dư vào tài khóa 2025 tạm thời được gác lại.
"Trong năm nay, tôi sẽ soạn thảo đề xuất gói kích thích trị giá hàng chục nghìn tỷ yên - một chính sách mà rất nhiều người Nhật ủng hộ" - ông Kishida cho biết.
Bảo vệ các giá trị cơ bản, hoà bình và ổn định đất nước
Với quan điểm ôn hoà trong nhiều vấn đề, ông Kishida được cho là sẽ không sớm sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản. Vị lãnh đạo mới sẽ tiếp tục tái phân bổ phúc lợi xã hội và củng cố các chính sách kinh tế định hướng thị trướng - chủ trương chính trong chính sách kinh tế của cựu Thủ tướng Abe Shinzo.
Ông Kishida được kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp ngoại giao cho mục tiêu "Thế giới không vũ khí hạt nhân" (Nguồn: Japan Times)
"Tôi chắc chắn sẽ bảo vệ các giá trị cơ bản, bảo vệ hòa bình và sự ổn định của đất nước Nhật Bản. Chúng ta sẽ đóng góp nhiều giải pháp giúp tháo dỡ các thách thức đang được đặt ra trên toàn cầu, trong đó có môi trường. Bằng cách này, ta có thể chứng minh vai trò của đất nước Nhật Bản cũng như bảo vệ được lợi ích quốc gia trên trường quốc tế" - ông Fumio Kishida khẳng định trong một bài phát biểu.
Đảng LDP cho rằng, ông Kishida sẽ tiếp tục đi theo đường lối của hai cựu Thủ tướng tiền nhiệm Abe Shinzo và Suga Yoshihide, trong đó đặc biệt chú trọng liên minh Mỹ-Nhật Bản - nền tảng giúp đất nước đối phó với các thách thức về an ninh quốc phòng. Theo ông Daisuke Akimoto, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu châu Á Đương đại (ICAS), sau khi nắm quyền, ông Kishida sẽ có nhiều đóng góp ngoại giao cho mục tiêu "Thế giới không vũ khí hạt nhân" nhờ những kinh nghiệm tích luỹ được trong suốt quá trình làm Ngoại trưởng Nhật Bản. Phía ông Kishida cũng cam kết thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), đồng thời tăng cường quan hệ đối tác với các thành viên nhóm Bộ Tứ Kim cương (Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ).
Ông Fumio Kishida cam kết thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) (Nguồn: Financial Times)
Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Kishida thừa nhận tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp: "Trung Quốc là một trong những nước láng giềng của Nhật Bản với nhiều hoạt động giao lưu. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại số một của chúng tôi và Nhật Bản là đối tác thương mại thứ hai của Trung Quốc".
Song song với đó, vị lãnh đạo mới của Nhật Bản cũng khẳng định Tokyo cần bảo vệ các nguyên tắc của riêng mình, đặc biệt là trong vấn đề quần đảo.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hua Chunying cũng cho biết: "Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với đội ngũ lãnh đạo mới của Nhật Bản, tuân thủ các nguyên tắc đã được đặt ra, đồng thời làm sâu sắc thêm tinh thần hợp tác trên nhiều lĩnh vực của hai quốc gia, hướng tới mối quan hệ lành mạnh và ổn định".
Nỗ lực khống chế dịch COVID-19
Liên quan đến công tác đối phó với COVID-19, ông Kishida cho rằng cơ quan quản lý khủng hoảng y tế đóng vai trò như một bộ chỉ huy. Mọi nguồn lực sẽ được huy động để ngăn chặn rủi ro sụp đổ hệ thống y tế trong nước, hướng tới mục tiêu chung là "khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội tới gần mức bình thường càng sớm càng tốt".
Tân Thủ tướng Nhật Bản hướng tới mục tiêu khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội tới gần mức bình thường càng sớm càng tốt (Nguồn: Reuters)
Bên cạnh đó, ông Kishida cũng nhấn mạnh "xem xét nghiêm túc hệ thống phong tỏa theo kiểu Nhật Bản", đẩy mạnh việc áp dụng giấy chứng nhận tiêm chủng và kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Hộ chiếu vaccine cũng được vị lãnh đạo mới hết sức ủng hộ.
"Tôi sẽ cố gắng hết sức và làm việc thật chăm chỉ để khắc phục những hậu quả mà dịch COVID-19 gây ra. Trái tim người dân Nhật Bản đã tổn thương rất nhiều vì COVID-19. Mọi người dân hãy sốc lại tinh thần và đồng lòng chống lại cuộc khủng hoảng quốc gia này".
Tuy nhiên, theo Koichi Nakano, chuyên gia phân tích tại Đại học Sophia, nhiệm vụ khó khăn nhất đang chờ tân Thủ tướng Nhật Bản chính là sự cân bằng khi vừa tái khởi động nền kinh tế, vừa áp dụng nghiêm các biện pháp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới của COVID-19 - điều mà cả hai vị Thủ tướng tiền nhiệm chưa thực hiện được.
Ông Fumio Kishida là Ngoại trưởng tại vị lâu nhất dưới thời cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (Nguồn: The Straits Times)
Theo tờ Nikkei, ông Kishida trước đó đã được chuẩn bị để trở thành người kế nhiệm tiềm năng trong chính quyền cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ông được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng từ năm 2012-2017 và có thời gian giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách - cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của LDP. Ông cũng được đánh giá là người có bề dày kinh nghiệm ngoại giao và là Ngoại trưởng tại vị lâu nhất dưới thời cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.
Nguồn: https://vtv.vn/the-gioi/chinh-sach-kinh-te-cua-nha-lanh-dao-moi-cua-nhat-ban-fumio-kishida-2021093014361953.htm